7 kỹ năng bạn cần bỏ ra khỏi hồ sơ xin việc ngay từ bây giờ
Khi viết hồ sơ xin việc, có một số trong chúng ta thường cho hết tất cả những thông tin có thể và hy vọng trong số đó, sẽ có thông tin gây ấn tượng. Tuy nhiên, đối với nhà tuyển dụng, chất lượng là điều quan trọng hơn số lượng. Sau tất cả, bạn chỉ có 7 giây để thu hút sự chú ý của họ, bạn cần chắc chắn mình tập trung ngay vào những thông tin hấp dẫn nhất. Bạn cần phải rút ngắn bớt phần thông tin kỹ năng trong hồ sơ xin việc của mình.
Đang phân vân không biết cắt bớt phần nào từ hồ sơ xin việc của mình? Hãy bắt đầu với 7 phần sau đây.
1. Một ngôn ngữ mà bạn học từ hồi cấp 3
Dẫu đã học tiếng Pháp trong những năm học phổ thông, bạn có thực sự thoải mái để trò chuyện những cuộc hội thoải đơn giản với người bản xứ, hay đọc hiểu ở ngôn ngữ đó chưa? Nếu câu trả lời là “chưa”, thông tin này không nên nằm trong hồ sơ xin việc của bạn.
“Không quan trọng là bạn có kiến thức cơ bản hay trung cấp về ngôn ngữ đó. Trừ khi bạn thực sự giỏi về nó, và thực sự có thể sử dụng nó trong công việc, hãy bỏ nó ra,” Meneghello để nghị.
Trong trường hợp xấu nhất, nhà tuyển dụng của bạn có thể thành thạo ngôn ngữ đó và cố gắng bắt chuyện với bạn – nếu họ phát hiện ra bạn đang nói dối, thì chắc chắn là bạn sẽ không có cơ hội đi tiếp vào vòng trong rồi.
2. Những kỹ năng vi tính cơ bản như email hay Microsoft Word
Thời điểm này, việc liệt kê “email” hay “Microsoft Word” thành một kỹ năng cũng không khác gì việc bạn liệt kê “biết đọc” hay “biết làm toán” vậy. Đây không phải những điều làm bạn khác biệt – mà là những điều cơ bản bắt buộc phải có.
“Qua việc thêm vào những thông tin này, ứng viên có thể được nhà tuyển dụng đánh giá là đang “thêm mắm dặm muối” vào hồ sơ xin việc của mình – họ đang cố gắng kể ra hết mức có thể những gì mình có bởi thực sự họ không có gì cả,” chia sẻ từ Peter Riccio, đồng sáng lập của công ty tuyển dụng Atlas Search.
Một trường hợp ngoại trừ cho tình huống này là khi bạn có những kỹ năng rất chuyên biệt khi sử dụng những chương trình này, ví dụ như “tạo ra một kho dữ liệu từ đầu và kết hợp những dữ liệu từ Excel và những kho dữ liệu khác,” chia sẻ từ nhà tư vấn nghể nghiệp Mary Warriner. “Đó mới là những thông tin đáng ghi nhận trong hồ sơ xin việc của bạn”.
3. Mạng xã hội (nếu bạn không dùng chúng là một phần của công việc)
Bạn có thể có hàng ngàn người theo dõi trên Twitter, hàng tấn bạn bè trên Facebook hay vô số lượt thích (like) trên Instagram, nhưng việc quản lý hình ảnh cá nhân và quản lý hình ảnh thương hiệu của công ty là hai việc hoàn toàn khác nhau. Làm việc với mạng xã hội trong môi trường chuyên nghiệp thường đòi hỏi nhiều hơn rất nhiều so với việc đăng lên những nội dung mang tính tương tác cao – nó còn đòi hỏi những kỹ năng phân tích số liệu, kinh nghiệm sử dụng các phương tiện truyền thông tính phí và hơn thế nữa.
“Bạn có thể tuyệt vời trong việc đăng những hình ảnh của bạn bè mình hay chia sẻ thông tin về công ty hiện tại của mình, tuy nhiên nếu bạn không nộp đơn vào vị trí Chiến Lược Mạng Xã Hội (Social Media Strategy), bạn không nên liệt kê kỹ năng Facebook của mình”, Warriner nói. “Thay vào đó, hãy ngẫm lại thông tin tuyển dụng và lựa chọn những kỹ năng bạn có phù hợp với công việc đang yêu cầu và liệt kê chúng.”
4. Các kỹ năng mềm
Điều này hơi khó, nhất là khi các nhà tuyển dụng rất thích nhìn thấy những kỹ năng mềm trong hồ sơ xin việc của bạn. Tuy nhiên, chúng cần phải được minh họa bởi những ví dụ thay vì chỉ liệt kê vô thưởng vô phạt – việc bạn nói rằng mình là người giao tiếp tốt sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu như không có ví dụ để hỗ trợ.
“Lỗi thường gặp nhất ở ứng viên chính là việc họ liệt kê quá nhiều kỹ năng mềm trong hồ sơ – ví dụ như giao tiếp, lãnh đạo, giải quyết vấn đề… Điều này nói lên với những người đọc hồ sơ rằng ‘Tôi có thể không làm rõ những kỹ năng mềm của tôi, nhưng tôi ghi ra để chắc chắn rằng bạn có nhìn thấy và biết qua,’” Riccio nói.
Thay vào đó, bạn hãy thể hiện những kỹ năng đó thay vì chỉ nói suông.
“Sẽ rất quan trọng nếu như bạn có thể thể hiện những kỹ năng mềm này trong phần thông tin của hồ sơ xin việc. Ví dụ như, thay vì liệt kê “khả năng đa nhiệm” hay “khả năng lãnh đạo” là một kỹ năng, bạn có thể viết “dẫn đầu nhiều dự án diễn ra đồng thời đến giai đoạn kết thúc, mang lại x% cho công ty” dưới phần vị trí công việc tương ứng”, Riccio khuyên.
5. Những lời phóng đại hay nói dối trắng trợn
Nếu bạn không có một kỹ năng nhất định, bạn không nên liệt kê nó vào hồ sơ xin việc. Cho dù bạn nghĩ rằng bạn có thể thoát khỏi với những lời nói dối đó bây giờ, dần dần chúng cũng sẽ bị bại lộ.
“Nếu bạn không phải là một nhà giao tiếp giỏi, đừng ghi vào hồ sơ… Nếu công việc yêu cầu bạn phải đứng trước đám đông và thuyết trình mỗi ngày, bạn có thể sẽ thất bại tràn trề trong công việc đó” Warriner nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần phải có tất cả những kỹ năng yêu cầu trong bảng mô tả công việc – quy luật thông thường là bạn sẽ phải phù hợp khoảng 80-90%.
6. Những công nghệ lỗi thời
Những phần mềm và công nghệ dùng trong công việc có thể thay đổi liên tục và nhanh chóng, nhưng điều quan trọng là bạn phải nắm bắt chúng kịp thời. Nếu không, bạn đối mặt với nguy cơ biến mình thành người lỗi thời trong môi trường làm việc năng động.
“Các công ty luôn tìm kiếm những người nhanh nhạy, linh hoạt và hiểu biết công nghệ. Qua việc liệt kê những công nghệ lỗi thời vào hồ sơ xin việc của mình, bạn đã vô tình đem đến ấn tượng cho nhà tuyển dụng rằng những kỹ năng của bạn đã cũ kỹ và bạn sẽ phải học hỏi vất vả hơn nhiều” Riccio chia sẻ.
“Trong thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, nhà tuyển dụng muốn đầu tư vào những ứng viên thể hiện được khả năng học hỏi nhanh”.
Vì vậy, hãy loại bỏ những ngôn ngữ lập trình đã lâu không ai sử dụng, những phiên bản lỗi thời của những phần mềm, hay những công nghệ không liên quan khác.
7. Những kỹ năng không liên quan hoặc hài hước
“Đừng liệt kê những kỹ năng không liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Tôi biết rằng tôi rất tự hào về những chiếc bánh quy mà tôi làm ra, nhưng tôi làm nhân sự – tôi không cần phải ghi điều đó vào hồ sơ của mình!” Warriner nói.
Chắc chắn rằng sẽ có vài nhà tuyển dụng có thể thấy điều này là hài hước. Nhưng khi bạn đang ứng tuyển cho công việc, bạn không chắc rằng ai sẽ là người có đầu óc hài hước và ai không – nên chắc ăn hơn là bạn hãy giữ vững tính chuyên nghiệp của mình trước đã.
Emily Moore