Bạn có những tố chất cần thiết để thành công chưa?
L & A vui mừng hợp tác với First News để lần lượt giới thiệu các đầu sách giá trị trên thế giới do First News chuyển ngữ. “Nghĩ lớn để thành công” được First News biên dịch từ “Think big and kiss ass” của tác giả Donald Trump và Bill Zanker xuất bản lần đầu tiên năm 2007. Hy vọng rằng bạn sẽ không chỉ thích thú với những thành quả họ đã đạt được mà còn đúc kết kinh nghiệm cho chính mình từ những điều đó. Trong trích đoạn này, Bill Zanker chia sẻ về một phẩm chất hết sức quan trọng để dẫn đến thành công, đó chính là tính kiên trì. Bạn chỉ có thể chạm tới giấc mơ nếu bạn có đủ kiên trì để theo đuổi nó đến cùng.
Với tư cách là Chủ tịch kiêm Người sáng lập The Learning Annex, tôi đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm con người cực kì thành đạt, các nhà triệu phú và tỷ phú- những người đã nỗ lực vượt lên chính mình để đạt được những thành quả đáng kinh ngạc trong cuộc sống. Tất cả họ đều sở hữu một phẩm chất hết sức quan trọng: tính kiên trì. Hãy lấy Donald Trump làm ví dụ: ông chính là hiện thân của sự kiên trì. Ông chưa bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi rơi vào bước đường cùng.
(Ông Murray Klein, ông chủ cửa hàng ăn Zabar’s nổi tiếng ở New York)
Trong công việc cũng như trong cuộc sống, kiên trì chính là đức tính quan trọng nhất giúp bạn thành công. Đã bao lần bạn cảm thấy như mình không thể làm tiếp công việc này, không thể gọi bất kỳ cuộc gọi nào cũng như không thể gõ cửa từng nhà để thuyết phục họ giúp bạn? Đã bao lần bạn bị từ chối dù biết rằng mình sắp tới đích? Bao lần bạn phải phớt lờ những người muốn mua chuộc bạn bằng tiền, trong khi chính bạn đang cố hết sức để biến những mơ ước của bản thân và gia đình thành hiện thực? Tất cả chúng ta đều từng rơi vào những hoàn cảnh tương tự như vậy. Những trải nghiệm đó quả thật rất khắc nghiệt, nhưng thành quả chúng mang lại thì vô cùng tuyệt vời. Vì vậy, đừng bỏ cuộc cho đến khi chúng ta thực hiện được ước mơ của mình.
Bản thân tôi đã học được tính bền bỉ từ rất lâu, từ ngày tôi mới bắt tay gây dựng The Learning Annex vào đầu những năm 1980. Lần đó tôi muốn mời Murray Klein, ông chủ cửa hàng ăn Zabar’s nổi tiếng ở New York đến thuyết trình về chủ đề “Cách tạo nên một thị trường đồ ăn ngon”. Tôi biết người dân New York yêu thích ẩm thực và nhiều người sẽ đổ xô đến tham dự lớp học này. Vả lại cái tên người Zabar’s vào thời điểm đó (thậm chí cho tới tận bây giờ) vẫn là một cơ sở kinh doanh đồ ăn New York ngon nổi tiếng ở phía Thượng tây. Tôi đã gọi điện và trực tiếp đến gặp Murray Klein. Và theo đúng phong cách rất đặc trưng của người New York, Murray Klein đã chẳng đếm xỉa gì đến tôi cùng lời đề nghị của tôi vì lúc đó ông đang bận quát tháo nhân viên về việc phải lạng cá thành những lát mỏng hơn nữa. (Nếu trước giờ chưa ghé Zabar’s lần nào, bạn nên đến một lần cho biết) Murray Klein là một người New York rất điển hình.
Rảo bước về nhà trong tâm trạng hụt hẫng vì bị từ chối, tôi bỗng nảy ra một ý tưởng. Sáng hôm sau, tôi gọi điện cho một người bán hoa và yêu cầu họ mỗi ngày hãy chuyển một lượng hoa trị giá 200 đô-la đến cửa hàng Zabar’s kèm lời nhắn tới Murray Klein: “Xin ngày hãy bớt chút thời gian cho The Learning Annex”. Hãy nhớ rằng thời điểm đó là những năm 1980 và với 200 đô-la bạn có thể mua được rất nhiều hoa. Tôi dặn người bán hoa: “Anh cứ tiếp tục chuyển hoa tới đó hàng ngày cho đến khi nào tôi yêu cầu dừng lại mới thôi”. Sang ngày thứ chín tôi bắt đầu hoang mang vì đã mất tới 1800 đô-la mà vẫn chưa thấy Murray Klein đáp lại một lời nào.
Nhưng rồi Murray cũng gọi điện cho tôi. Ông nói: “Zanker, phải làm sao để anh dừng ngay trò gửi hoa chết tiệt này? Văn phòng của tôi không còn chỗ trống nào nữa đâu”.
– Hãy dành cho người dân New York một buổi tối của ông – Tôi nói.
– Tôi thích cái sự liều lĩnh trơ tráo của anh. Thôi được.
Và Murray đã khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên khi mang tới lớp học một bữa tiệc thịnh soạn với các món ăn của cửa hàng Zabar’s. Điều đó thật tuyệt vời! Mọi người có cơ hội thưởng thức miễn phí tất cả các món ăn của cửa hàng Zabar’s trong lúc Murray trò chuyện. Murray quả thật thông minh khi mang tới lớp học nhiều món ăn như vậy bởi vì ngay hôm sau, ai ai cũng bàn tán về bữa tiệc thịnh soạn đó. Còn danh tiếng của Zabar’s càng được nhiều người biết đến hơn. Ngày hôm sau, tôi nhận được hoa của Murray cùng một tấm thiệp với lời nhắn: “Zanker, mọi chuyện thật thú vị, nhưng tôi sẽ không bao giờ lặp lại điều đó thêm lần nào nữa đâu nhé!”
Kể từ đó, tôi thường sử dụng lại tuyệt chiêu này. Và trên thực tế, vừa mới đây thôi, tôi đã áp dụng cách thức đó để mời Jim Cramer- người dẫn chương trình truyền hình Mad Money.
(Ông Trump và ông Robert Kiyosaki)
Tôi sẽ kể bạn nghe thêm một câu chuyện khác về sự kiên trì. Năm 2001, khi mua lại The Learning Annex, tôi đã rất muốn mời Robert Kiyosaki, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Rich Dad (Dạy con làm giàu) tới thuyết giảng. Tôi liên tục gọi điện tới văn phòng của Robert nhưng cả ông và người cộng sự Sharon Lechter đều không trả lời. Khi biết tin ông đang diễn thuyết ở Phoenix, tôi đã lập tức rời nhà tại hạt Westchester, New York vào lúc 5 giờ sáng và đón chuyến bay sớm nhất từ sân bay John F. Kennedy để tới Phoenix. Tôi đã kịp tới buổi hội thảo ngày hôm đó và năn nỉ suốt bữa trưa để được gặp Robert nhưng trợ lý của ông chỉ trả lời: “Tôi không thể giúp gì cho ông. Ông cần có lịch hẹn trước”.
– Tôi lấy đâu ra lịch hẹn khi ông ta không chịu trả lời điện thoại của tôi? – Tôi nói
– Tôi rất lấy làm tiếc. – Cô ta bình thản đáp.
Vô cùng bực tức, tôi bắt taxi quay lại sân bay Phoenix. Thật ngớ ngẩn! Nhưng trên chuyến bay quay về New York, tôi đã quyết định sẽ không bỏ cuộc dễ dàng như vậy.
Vì thế, hàng ngày, cứ khoảng 11 giờ sáng, tôi lại gọi điện cho Robert và Sharon rồi để lại lời nhắn. Điều đó trở thành một việc phải làm, giống như việc sáng nào bạn cũng phải đánh răng. Suốt ba tháng trời, không sót một ngày nào, tôi kiên trì gọi điện và để lại lời nhắn vào lúc 11 giờ sáng. Cuối cùng, Sharon Lechter cũng gọi lại cho tôi. Cô ta nói: “Tôi sẽ đến New York vào tuần tới. Chúng ta sẽ cùng dùng bữa trưa nhé?”.
– Thật tuyệt, thưa cô. – Tôi đáp.
– Vậy ông muốn chúng ta gặp nhau ở đâu? – Cô ta hỏi.
Tôi là một người chỉ chuyên dùng bữa trưa tại bàn làm việc của mình, nhưng ngay lúc đó, nhà hàng đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là Câu lạc bộ số 21, một nhà hàng khá sang trọng ở New York.
– Tuyệt lắm. Tôi sẽ gặp ông ở đó. – Cô ta đồng ý.
Một tiếng trước cuộc hẹn, tôi có mặt tại nhà hàng và gặp người phụ trách việc hầu bàn. Tôi đưa anh ta 20 đô-la và yêu cầu: “Khi tôi tới đây dùng bữa trưa, anh có thể hỏi tôi là liệu tôi có muốn ngồi chỗ như mọi khi không, được chứ?”
Anh ta cầm 20 đô-la và từ chối: “Ồ, không, thưa ông”.
Tôi lục tìm trong túi áo, lấy ra gần 100 đô-la đưa cho anh ta và nhận được câu trả lời: “Tôi rất hân hạnh được gặp ông vào lúc 1 giờ”.
Đến 1 giờ, tôi quay lại, vừa đúng lúc Sharon bước vào quán. Người quản lý tôi gặp ban sáng vồn vã chạy lại ôm chầm lấy tôi và hồ hởi nói: “Ngài Zanker, rất vui được gặp ngài”. Anh ta đã dẫn chúng tôi tới một chỗ ngồi hết sức lý tưởng và Sharon thực sự ấn tượng về điều đó.
Sau bữa trưa hôm đó, tôi đã đạt được thỏa thuận là Robert sẽ có một lần đến thuyết giảng tại The Learning Annex. Tuy nhiên “chỉ một lần” đó đã trở thành rất nhiều lần khác nữa. Tôi đã phải mất đến sáu tháng chờ đợi, nhưng tôi luôn kiên trì và biết rằng rồi mình sẽ mời được Robert đến diễn thuyết tại The Learning Annex, bởi đối với tôi, tôi không bao giờ nói “không” trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Những người thành đạt mà tôi từng biết chưa bao giờ nói không trước những khó khăn thử thách. Để lên đến đỉnh vinh quang, tất cả họ đều phải chịu đựng và vượt qua những thách thức cam go vốn làm chùn bước rất nhiều người. Để làm được điều đó, họ đã luôn kiên trì. Có thể bạn sẽ rút ra được nhiều điều trong cuốn sách này, song đức tính quan trọng nhất có thể suy ngẫm ngay chính là không bao giờ được từ bỏ ước mơ của mình.
** Bạn có thể đặt mua sách tại đây: https://firstnews.com.vn/vi/tac-pham/nghi-lon-de-thanh-cong-p884.html