Chat with us, powered by LiveChat

Blog Kiến thức nhân sự

Xây dựng thương hiệu cá nhân: Các chiến thuật quảng cáo thương hiệu thành công

Câu trả lời chính là tiếp thị, mà cụ thể là sức mạnh của quảng cáo thương hiệu. Và giờ đây quảng cáo thương hiệu không chỉ dành cho các sản phẩm.

Quảng cáo thương hiệu có thể được mô tả bằng nhiều cách nhưng cách tốt nhất để định nghĩa khái niệm đó là lời hứa … một lời hứa về giá trị của sản phẩm …một lời hứa rằng sản phẩm này tốt hơn các sản phẩm đối thủ…một lời hứa chỉ thành sự thật khi được mọi người biết đến. Quảng cáo thương hiệu là sự kết hợp giữa các đặc điểm hữu hình và vô hình khiến cho một thương hiệu trở nên đặc biệt. Quảng cáo thương hiệu là xây dựng một hình ảnh – với các kết quả phù hợp.

Quảng cáo thương hiệu (nhiều người gọi là tự quảng cáo thương hiệu khi nói về cá nhân) rất quan trọng trong thăng tiến nghề nghiệp vì quảng cáo thương hiệu giúp xác định bạn là ai, bạn tài năng thế nào và tại sao người ta nên chọn bạn. Quảng cáo thương hiệu chính là danh tiếng của bạn. Quảng cáo thương hiệu là xây dựng tên tuổi cho bạn, chỉ ra sự khác biệt của bạn với những người khác và miêu tả các giá trị gia tăng bạn mang lại trong một tình huống bất kỳ.

Hầu hết những người tìm việc không chủ động trong việc thiết lập và phát triển thương hiệu nghề nghiệp của mình, không để những việc làm của mình nói thay mình khi muốn được thăng chức hay chuyển việc. Vậy tại sao bạn không dành thời gian để học một vài chiến thuật cơ bản có thể giúp bạn xây dựng thương hiệu nghề nghiệp và khiến bạn trở thành một nhân viên hay người tìm việc cuốn hút hơn? Hãy nhớ, nếu bạn không tự quảng cáo thương hiệu cho mình, người khác sẽ chiếm mất phần. Và trong khi bạn đang vui sướng và yên ổn với công việc hiện tại, bạn không thể biết khi nào mọi thứ sẽ thay đổi.

Nhà quản lý bậc thầy Tom Peters đã nói: “Cho dù ta bao nhiêu tuổi, làm chức vụ gì, làm ngành nghề nào, ta phải hiểu tầm quan trọng của việc quảng cáo thương hiệu. Ta chính là giám đốc điều hành công ty của bản thân ta: Công ty Tôi. Chức danh của bạn không xác định bạn là ai và bản mô tả công việc của bạn không giới hạn khả năng của bạn.”

Bài viết này giới thiệu cho bạn 5 thủ thuật đơn giản trong việc xây dựng và củng cố thương hiệu nghề nghiệp của bạn.

Tăng cường kinh nghiệm/ Rà soát thành tích

Xây dựng thương hiệu bắt đầu bằng việc rà soát lại những thành công trước đây của bạn và bổ sung những trải nghiệm quan trọng có tính chiến lược. Những thành tựu của bạn chính là nền tảng cho thương hiệu nghề nghiệp của bạn.

Nhưng trước khi bạn tìm công việc mới, hãy bỏ thời gian lên kế hoạch và tập trung vào những gì bạn muốn thương hiệu của mình thể hiện – và xây dựng chiến lược để thu thập kinh nghiệm trong những lĩnh vực mà bạn còn yếu.

Vì thế, ngoài những công việc của mình, bạn phải xin thêm những nhiệm vụ mới thử thách hơn để xây dựng thương hiệu cho mình. Hãy nghĩ tới việc làm nghề tự do hay tư vấn. Hãy làm việc tình nguyện để có thêm kinh nghiệm. Nếu bạn là sinh viên, hãy tìm nhiều vị trí thực tập.

Học thêm và đào tạo thêm

Đối với nhiều nghề, chỉ cần một số vốn học vấn tối thiểu, nhưng để vượt trội trong nghề của mình bạn có thể phải học thêm, đào tạo thêm và có thêm các chứng chỉ. Học thêm có thể giúp làm thương hiệu nghề nghiệp của bạn sáng láng hơn.

Bạn có thể gặp khó khăn về thời gian và tài chính, nhưng hãy cố tìm cách giải quyết. Một số công ty còn cho tiền để nhân viên đi học.

Nếu bạn không chắc là mình có cần học thêm không – trong khi bạn cần – hãy tìm người tư vấn cho mình, một ai đó rất được kính phục trong lĩnh vực của bạn (người đã tự quảng cáo rất tốt cho bản thân) và xin họ lời khuyên.

Tự quảng cáo bản thân

Bạn có thể có một thương hiệu tuyệt vời, nhưng nếu không ai biết về nó, bạn cũng khó mà thành công trong bước đường thăng tiến nghề nghiệp của mình. Và chính bạn chứ không phải ai khác có nhiều lý do để đẩy mạnh thương hiệu của mình.

Khiêm tốn ư? Hãy ném nó qua cửa sổ. Ranh giới giữa khoe khoang và quảng cáo rất mỏng manh – và bạn cần biết điều đó — nhưng tốt hơn bạn nên thử mạo hiểm để quảng cáo cho thương hiệu của mình hơn là không làm gì.

Một trong những công cụ lâu đời nhất trong quảng cáo thương hiệu cho những người tìm việc là sơ yếu lý lịch và tất nhiên bạn cần bắt đầu với việc liệt kê các thành tích, kỹ năng và học vấn của mình. Bạn cũng có thể nêu câu tuyên ngôn của bản thân trong sơ yếu…nhưng đừng dừng lại ở đó.

Hãy bắt đầu lập hai bộ hồ sơ – một trên giấy và một trên mạng. Nếu bạn không có website riêng của mình thì bây giờ chính là lúc bạn mua một tên miền (chẳng hạn như tentoi.com) và để cả thế giới biết về những lợi điểm của thương hiệu của bạn. Hồ sơ của bạn cần có những phần quan trọng của thương hiệu như: sơ yếu lý lịch, tuyên bố về sứ mạng, chi tiết các thành tích, mẫu bài viết, bài nghiên cứu, bài diễn văn, phần thưởng, giấy khen, chứng chỉ, và nhiều nữa.

Chúng tôi đã thấy một xu hướng khá thú vị của các nhà tuyển dụng khi họ tìm trên Google tên của các ứng viên tiềm năng bằng cách gõ tên trên một hay nhiều trang tìm kiếm trực tuyến – và quyết định sơ tuyển ứng viên một phần dựa trên số lượng (và chất lượng) người đã vào xem hồ sơ mỗi ứng viên. Vậy bài học rút ra là gì? Thương hiệu của bạn cần có một chỗ đứng vững chắc trên mạng.

Và cuối cùng, đừng quên củng cố thương hiệu của mình trong quá trình làm việc. Thường nhân viên hay cho rằng sếp họ biết các thành tích của họ nhưng điều này không hẳn đúng. Vào thời điểm chuẩn bị tăng lương hãy chuẩn bị danh sách các thành quả của bạn từ lần tăng lương trước, nhưng cũng nên tìm cách cho sếp biết những thành công của bạn trong suốt cả năm.

Trở thành chuyên gia

Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình là cách tốt nhất để thiết lập thương hiệu cho bản thân. Hãy bắt đầu bằng cách viết bài thể hiện kiến thức của bạn — và lý tưởng nhất là làm sao để đăng bài trên các phương tiện truyền thông có tên tuổi. Hãy xem xét khả năng tự bạn xuất bản tác phẩm của mình.

  • Hãy tìm các cuộc họp và hội nghị nơi bạn có thể phát biểu hay diễn thuyết.
  • Làm nổi bật các giải thưởng của bạn để làm cho bạn được nhìn nhận như một chuyên gia
  • Hãy cung cấp cho báo chí những suy nghĩ, ý tưởng của bạn để họ đưa chúng lên mặt báo
  • Hãy nghĩ đến việc thiết lập một trang web riêng của bạn nơi bạn có thể đăng tải các bài viết và bài diễn thuyết của mình.

Xây dựng các mối quan hệ

Trong quảng cáo, không gì mạnh hơn công cụ có cái tên quảng cáo truyền miệng, tức là những gì người ta nói về bạn.

Vì thế, trong quá trình xây dựng thương hiệu nghề nghiệp của bạn, không có gì hiệu quả hơn những gì mà những người quen của bạn – bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, và các sếp cũ – nói về bạn, kỹ năng, học vấn và thành tích của bạn.

Và để giữ cho mạng lưới quan hệ của mình vững mạnh thì không gì bằng xây dựng các mối quan hệ. Hãy thường xuyên liên lạc với những người quen của bạn và đảm bảo rằng họ biết đến những thành công mới đây nhất của bạn.

Nhưng những người giỏi quảng bá thương hiệu không chịu dừng lại với mạng lưới hiện tại; họ luôn tìm kiếm mở rộng mạng lưới. Hãy tìm những tổ chức chuyên nghiệp mới và tăng số lượng cộng đồng mạng.

Kết luận

Một khi bạn đã xác định và xây dựng thương hiệu của mình, hãy nhớ tiếp tục củng cố và bảo vệ nó. Sẽ luôn luôn có những thương hiệu cạnh tranh (ứng viên tìm việc) sẵn sàng lấp những chỗ trống bạn bỏ sót. Tất nhiên, bạn là sáng lập viên và giám đốc điều hành của Công ty Tôi, và bạn càng cố gắng vun đắp cho thương hiệu của mình thì càng thành công trong công việc hiện tại cũng như trong quá trình tìm kiếm công việc mới.

Nguồn| Quintcareers.com

Cung cấp bởi Le & Associates.



Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *